16 trạm cấp nước tại khu vực ngoại thành Hà Nội: Bùng nhùng việc giải cứu

Trước những bức xúc của dư luận về nhiều trạm cấp nước bỏ hoang lãng phí, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết tồn tại. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm và lúng túng trong quyết toán, bàn giao mặt bằng xây dựng nên các trạm cấp nước này vẫn chưa thoát khỏi cảnh... "đắp chiếu".
Hình ảnh 16 trạm cấp nước tại khu vực ngoại thành Hà Nội: Bùng nhùng việc giải cứu  số 1
Trạm cấp nước xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ xây dựng xong nhưng chưa phát huy hiệu quả.

<>Không chỉ là thiếu vốn

Tổng ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp là hơn 68 tỷ đồng để xây dựng 16 trạm cấp nước (TCN) tập trung tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư, các địa phương gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn đóng góp của nhân dân nên hầu hết các TCN đều xây dựng dở dang hoặc xây dựng xong nhưng không có kinh phí để lắp đặt mạng đường ống dẫn nước, đồng hồ đến từng hộ dân. Điều đó dẫn đến hàng loạt thiết bị tiền tỷ được đầu tư sẽ phải "khai tử" vì thời gian bỏ hoang quá lâu. Một số TCN ở các thôn Đoan Lữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh)... hệ thống công trình đầu mối bị hư hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa, cải tạo.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã kêu gọi các DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các TCN tập trung để tái hoạt động trở lại. Thế nhưng tiến độ làm "sống" lại các TCN chưa đáp ứng được yêu cầu của UBND TP. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tổng số 16 TCN khẩn cấp "giải cứu", đến nay mới có 4 trạm vận hành, 2 trạm đang trong quá trình đầu tư, 7 trạm đang tìm kiếm DN để giao làm chủ đầu tư, 3 trạm hư hỏng cần thanh lý thu hồi tài sản. Kết quả khảo sát tại 4 TCN đã vận hành và 1 trạm đang đầu tư cho thấy, các DN làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, năng lực đầu tư còn hạn chế nên một số công trình chưa phát huy hết công suất và chậm đưa vào khai thác. Không chỉ thiếu vốn đầu tư, các DN đều phàn nàn có nhiều vướng mắc chậm được giải quyết. Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khôi phục TCN tập trung thị trấn Quốc Oai cho biết, hiện công ty đang phải làm "chui" vì thủ tục bàn giao mặt bằng xây dựng và đánh giá tài sản để làm thủ tục lập dự án đầu tư theo quy định chưa thực hiện. Với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Viwaseen đã hoàn thiện tới 40 loại thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án TCN tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thế nhưng vẫn chưa thể triển khai do chưa xác định được vị trí xây dựng TCN...

<>"Nút thắt" chưa được gỡ

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN được giao khôi phục các TCN chưa hoạt động tại khu vực ngoại thành, cuối tháng 6-2012, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo văn bản này, các địa phương dừng thực hiện 16 dự án đầu tư dở dang xây dựng TCN được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố và một phần dân đóng góp để quyết toán chuyển đổi hình thức đầu tư thông qua vay vốn tín dụng từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội. Theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, các địa phương phải quyết toán vốn đầu tư phần việc đã hoàn thành cũng như thanh lý tài sản theo đúng quy định trình UBND TP xem xét. Song đến thời điểm này, khâu đánh giá lại tài sản và bàn giao vốn, mặt bằng xây dựng cho DN chưa được thực hiện nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội.

Ông Ngô Xuân Hải cho rằng, không hiểu vướng mắc ở đâu mà chính quyền địa phương, cấp huyện, chưa thực hiện việc định giá tài sản, bàn giao mặt bằng cho DN để hoàn thiện các thủ tục vay vốn ưu đãi. Tương tự, nhiều DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng TCN tập trung ở khu vực ngoại thành cũng trong cảnh ngộ đó. Bà Nguyễn Thị Lê, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Linh cho biết, DN này khó có thể hoàn thành việc lập dự án và hồ sơ pháp lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt vì chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng TCN xã Tam Hiệp, mặc dù đơn vị này nhiều lần kiến nghị  với UBND huyện Phúc Thọ. Bà Nguyễn Thị Lê cho hay, đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro nhiều, UBND thành phố đã có chính sách khuyến khích, DN phần nào an tâm đầu tư, nhưng "rào cản" lớn nhất từ chính quyền địa phương, do đó "nút thắt" này cần sớm được giải quyết.

Quá trình khảo sát thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng cho thấy, những tồn tại hiện nay rất khó khăn đối với các DN, đề nghị UBND TP khẩn trương chỉ đạo các huyện nhanh chóng quyết toán và bàn giao cụ thể cho DN tài sản và mặt bằng đã đầu    tư tại các TCN. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể thời gian, giao trách nhiệm để các địa phương thực hiện, tránh tình trạng kéo dài như hiện nay. Nếu "nút thắt" này chậm giải quyết, chính quyền các địa phương vẫn đứng ngoài cuộc, xem ra các TCN vẫn sẽ nằm "đắp chiếu" dài dài.
Nguồn : Hà Nội Mới