Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi mô hình tăng trưởng phát triển thân thiện với môi trường.
Trước sự hiện hữu ngày càng rõ nét những hậu quả về môi trường, thời gian gần đây trên thế giới đang xuất hiện nhiều sáng kiến mới về mô hình phát triển bền vững, nền kinh tế xanh và chính sách tăng trưởng xanh - Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn lời bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh tại hội thảo công bố kết quả dự án “Xây dựng ma trận hạch hoán xã hội Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh” ngày 26/6 ở Hà Nội.

Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh

Theo các chuyên gia kinh tế và môi trường, để tiếp tục duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang một mô hình mới hiệu quả hơn, mà tăng trưởng xanh được coi là một mô hình thích hợp để Việt Nam lựa chọn.

Không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi mô hình tăng trưởng phát triển thân thiện với môi trường. Gần đây nhất, năm 2012 Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và năm 2014 ban hành Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, với 66 hành động. 

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề xuất một số kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện mục tiêu nhằm giảm cường độ tiêu hao năng lượng của các ngành năng lượng, giao thông vận tải, sắt thép, dệt sợi, giấy trong thời gian tới.

Thứ hai, nghiên cứu và triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng khuyến khích đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao năng lượng thấp. 

Thứ ba, cần nghiên cứu phương án xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp.

Thứ tư, phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tăng trưởng xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực và chủ động của cơ quan điều phối và giám sát thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh như Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Thứ năm, cần đẩy mạnh các nghiên cứu đánh giá tác động đa mục tiêu của các chính sách tăng trưởng xanh để thiết kế những bước đi và chính sách phù hợp.

Công nghệ là chìa khóa cho nền kinh tế xanh

Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang là xu hướng phát triển chung ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đang phát triển. Chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. 

Bởi vậy, để đạt được mục tiêu vể Chiến lược Tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực thị trường dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng xanh – theo Báo Điện tử Chính phủ..

Trong những năm qua, chất lượng môi trường của Việt Nam đang ngày càng xuống cấp. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường như rừng, đa dạng sinh học bị tàn phá; tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và bị sử dụng kém hiệu quả; tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày một tăng và trở nên bức bối.

Theo TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương, công nghệ là chìa khóa cho nền kinh tế xanh/tăng trưởng xanh, tuy vậy lại là thách thức đối với Việt Nam do trình độ công nghệ của hầu hết các doanh nghiệp (DN) còn lạc hậu, sử dụng nhiên liệu kém hiệu quả.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, trên 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ.

Cũng theo điều tra gần đây của Bộ khoa học & Công nghệ, khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 80 -90 của thế kỉ trước; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức nếu đi theo con đường tăng trưởng xanh đã được thông qua.

TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng cũng cho biết tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh, trong khi nguồn lực trong nước của Việt Nam rất hạn chế. 

Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh về giảm cường độ phát thải đến năm 2020, Việt Nam cần tới 30 tỷ đô la. Đây quả thực là một thách thức lớn khi nguồn lực ngân sách nhà nước rất hạn chế, lại phải chi cho nhiều mục tiêu khác nhau. 

Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh do đó không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Theo Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)

Chung tay bảo vệ đại dương xanh

Tuần lễ biển và hảo đảo Việt Nam 2014 diễn ra từ ngày 6 – 8/6/2014 tại thành phố Hải Phòng với chủ đề “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh” theo đúng tinh thần chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm 2013 – 2014 “ Cùng chung sức, chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”.
Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam là sự kiện được Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức hàng năm với mục đích nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tôn vinh giá trị của đại đương đối với sự sống của nhân loại, tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong  công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường.
Chung tay bảo vệ đại dương xanh

Năm 2014, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam dự kiến sẽ có một số các sự kiện quan trọng như Diễn đàn Thương hiệu Biển Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Thương hiệu Biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế”; Lễ ra quân tình nguyện làm sạch môi trường bãi biển; Truyền hình trực tiếp Chương trình mít tinh kỷ niệm ngày Đại Dương Thế giới và Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (Viet Nam seas and islands week) được Chính phủ quy định trong Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 và được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hằng năm, để hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (05/6) và Ngày đại dương thế giới (08/6);

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. 

Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Theo Thanh Thảo (
MOITRUONG.COM.VN)

Dùng ruồi biến rác thải thành thức ăn chăn nuôi

Công ty AgriProtein của Nam Phi đã phối hợp với các nhà khoa học tại Khoa Dinh dưỡng Động vật thuộc Đại học Stellenbosch của nước này triển khai một công trình nghiên cứu dùng ruồi để biến rác thải thành thức ăn cho vật nuôi.
Công ty AgriProtein đã khởi công xây dựng trại ruồi trên quy mô công nghiệp đầu tiên tại thành phố Cape Town, Nam Phi.
Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2015, trại ruồi trị giá 11 triệu USD tại Cape Town này dự kiến sẽ sản xuất 7 tấn MagMeal (Maggot Meal – thức ăn từ giòi), 3 tấn MagOil (dầu từ giòi) và 20 tấn MagSoil (phân bón từ giòi) mỗi ngày.
Ảnh minh họa: westerncape.gov.za
Dùng ruồi biến rác thải thành thức ăn chăn nuôi

MagMeal là loại thức ăn rất tốt cho cá và đặc biệt là gà. Ngoài ra, đây là một nguồn thức ăn bền vững, giúp bảo vệ môi trường và gìn giữ nguồn hải sản bị đánh bắt làm thức ăn cho vật nuôi.
Để có được sản lượng lớn như vậy, AgriProtein sẽ nuôi khoảng 8,5 tỷ con ruồi và cho giòi nở từ trứng của chúng ăn chất thải hữu cơ vốn rất dồi dào trong thực tế – trong đó có các loại thức ăn thừa hoặc thực phẩm đã hết hạn sử dụng, chất thải từ các lò mổ, chất thải động vật…
Những ấu trùng này sau đó sẽ được thu hoạch và sấy khô thành một loại thức ăn tự nhiên, được đặt tên và đăng ký nhãn hiệu MagMeal. Quá trình sản xuất này còn tạo ra một loại dầu (MagOil) và phân bón giàu dinh dưỡng (MagSoil).
Agriprotein cho biết sẽ triển khai cấp giấy phép công nghệ tái chế chất dinh dưỡng cho vật nuôi theo cách này ra toàn thế giới vào năm 2015.
Một quan chức của công ty này nhấn mạnh: “Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy việc tái chế các loại chất dinh dưỡng thải bỏ cũng bình thường như việc tái chế giấy, kim loại hay thủy tinh vậy”.

Theo Huyền Anh/Chinhphu.vn

Việt Nam tổn thất 2,7 tỷ USD do thiên tai

Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến 2009 khoảng 2,7 tỷ USD – theo thông tin tại diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, với chuyên đề “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” ngày 18/7 ở tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: “Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng bình quân 0,70C; nước biển dâng khoảng 20cm; thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến 2009 khoảng 2,7 tỷ USD”.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những thảm họa cho nhân loại


Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên & Môi trường cập nhật năm 2011, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập

Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa (một nửa diện tích hiện nay), đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân.

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do con người gây ra. Do đó, vai trò của quản lý rừng bền vững trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn. 

Sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cả nước đã giao khoán gần 10 triệu ha trên tổng số 16,24 triệu ha đất lâm nghiệp theo quy hoạch, hơn 1,2 triệu hộ gia đình (4,6 triệu lao động) tham gia dự án; khoảng 585 nghìn hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm.

Việt Nam hiện có hơn 15,3 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm 46% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, tổng diện tích rừng hơn 13,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 39,7%. 

Theo thống kê, từ năm 2006 đến 2011, diện tích rừng cả nước tăng 0,78 triệu ha, độ che phủ tăng 2,5% (trung bình mỗi năm tăng 0,5%). Riêng sáu tháng đầu năm 2014, cả nước trồng hơn 75 nghìn ha rừng. Trong đó, có 3.894 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 71 nghìn ha rừng sản xuất, tăng 3% so cùng kỳ.

Rừng đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý này đang dần bị suy thoái. Những năm qua, nạn phá rừng, mất rừng ngày càng nghiêm trọng, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. 

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết năm 2013, cả nước phát hiện 25.776 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có 2.071 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá là 694 ha; 14.248 vụ mua bán, chế biến gỗ, lâm sản trái phép và 249 vụ cháy rừng… 

“Mất rừng và suy thoái rừng gây nên hiện tượng sa mạc hóa, làm nghèo kiệt đất đai tại vùng đầu nguồn, bồi lắng lòng hồ, gây lũ quét tại nhiều địa phương, phá vỡ các hệ sinh thái quan trọng khác…” - TS. Phan Huy Thông cho biết.

Mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp làm phát thải hơn 19 triệu tấn CO2, chiếm 18% tổng lượng khí phát thải nước ta. Vì vậy, quản lý rừng bền vững không chỉ có vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của từng quốc gia, toàn cầu, mà góp phần đắc lực trong giảm thiểu tác hại của thiên tai và ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu.

Theo Minh Phúc (
MOITRUONG.COM.VN)

Đề xuất vùng cấm khai thác nước ngầm tại TPHCM

Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TNMT) đề xuất UBND TPHCM phát hành Bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố.
Ảnh minh họa: dwrm.gov.vn
Ảnh minh họa: dwrm.gov.vn
Theo đó, cơ quan này đề xuất TPHCM cấm các cơ quan, doanh nghiệp khai thác nước ngầm tại khu vực các Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm rộng 195km2; vùng hạn chế khai thác rộng 1.268km2 và vùng được khai thác rộng 572km2.
Các khu vực bị cấm khai thác nước ngầm là những vùng có mực nước ngầm thấp hơn giới hạn cho phép (tầng 1 có mực nước ngầm từ 20m trở xuống, tầng 2 và 3 có mực nước từ 40m trở xuống – theo độ cao chuẩn quốc gia); nằm trong ranh mặn-nhạt; ô nhiễm nitơ; có hiện tượng lún sụt mặt đất và những khu vực đã được cung cấp nước máy với áp lực tối thiểu 0,2kg/cm2.
Theo nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam, khu vực đề xuất cấm khai thác nước ngầm là những nơi có nguy cơ sụt lún đất nền cao nhất trên địa bàn Thành phố. Việc cấm khai thác nước ngầm sẽ làm tăng mực nước, qua đó làm giảm nguy cơ sụt lún đất nền của TPHCM.
Liên đoàn đề nghị Thành phố nghiên cứu lộ trình cấm và hạn chế khai thác nước ở những khu vực được đề xuất; Sở TNMT điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm để có kế hoạch trám lấp các miệng giếng đang được khai thác không đúng quy định.
Theo Quy hoạch cấp nước tại TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2025, TPHCM chủ yếu khai thác và sử dụng nước từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, hạn chế khai thác nước ngầm. Lượng nước ngầm cho phép khai thác trên địa bàn Thành phố ở mức 100.000m3/ngày đêm.
Theo Phan Hoàng/Chinhphu.vn, 13/01/2014

Thể lệ cuộc thi " Chung tay vì thành phố Nha Trang xanh-sạch-đẹp "

THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT BÀI VÀ ẢNH ĐẸP “CHUNG TAY VÌ THÀNH PHỐ NHA TRANG XANH – SẠCH – ĐẸP”

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁCH THỨC DỰ THI
- Mọi cá nhân đang sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam (kể cả người nước ngoài) đều có thể gửi ảnh dự thi.
- Cách thức gửi bài, ảnh dự thi: Dùng chức năng gửi bài/ảnh trên website www.nhatrangxanhsachdep.vn

II. QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI TÁC PHẨM ẢNH DỰ THI

A - Quy cách ảnh dự thi

- Ảnh dự thi là ảnh đơn dưới dạng kỹ thuật số, file ảnh có định dạng JPG, độ phân giải 300 dpi. Dung lượng của file tối thiểu 1MB và không quá 5MB, rõ nét.

- Ảnh không được dùng kỹ xảo lắp ghép, xóa, làm sai lệch nội dung thực tế (cho phép được chỉnh độ sáng tối, độ tương phản, độ nét).

- Ảnh dự thi phải gửi kèm đầy đủ các thông tin (bằng tiếng Việt, có dấu) gồm: tên tác phẩm, họ tên thật, điện thoại, email, số chứng minh nhân dân của tác giả.

- Mỗi ảnh dự thi phải gửi kèm theo chú thích ảnh về thời gian, địa điểm, đối tượng chụp và một đoạn viết ngắn (bắt buộc) của tác giả (tối đa 100 chữ) diễn đạt ý nghĩa của bức ảnh, trong đó nhấn mạnh thông điệp “Vì Thành phố Nha Trang xanh – sạch – đẹp”.

- Số lượng ảnh dự thi: không giới hạn số lượng ảnh dự thi của mỗi tác giả.

B- Quy cách bài dự thi

- Tác phẩm được thể hiện dưới các thể loại: phóng sự, phỏng vấn, phản ánh, ghi chép, khắc họa chân dung... xoay quanh chủ đề “Chung tay vì Thành phố Nha Trang xanh – sạch – đẹp”;

- Tác phẩm phải phản ánh khách quan, trung thực, không hư cấu;

- Tác phẩm dài không quá 3.000 từ; 
- Nếu tác phẩm có ảnh minh họa thì ảnh phải phù hợp với chủ đề, đẹp, có lời chú; mỗi bài không quá 3 ảnh;

- Không được sao chép tài liệu người khác, trừ trường hợp trích dẫn để minh họa, khi trích dẫn minh họa phải chú thích rõ ràng nguồn trích dẫn;

- Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt;

- Bài dự thi phải gửi kèm đầy đủ các thông tin (bằng tiếng Việt, có dấu) gồm: tên tác phẩm, họ tên thật, điện thoại, email, số chứng minh nhân dân của tác giả.

- Số lượng bài dự thi: không giới hạn số lượng bài dự thi của mỗi tác giả.

C- Về tác quyền

- Ảnh/bài gửi dự thi phải là ảnh không vi phạm luật tác quyền, nếu bị phát hiện vi phạm thì ban tổ chức sẽ gỡ bỏ ảnh/bài.

- Tác giả tự chịu trách nhiệm về nội dung bài / ảnh và lời bình của mình, phải chịu toàn bộ trách nhiệm về bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến nguồn gốc, quyền tác giả, quyền sở hữu… Ban tổ chức không chịu trách nhiệm trong mọi tranh chấp liên quan đến tác phẩm dự thi.

- Nếu ảnh/bài chưa hoặc không vi phạm tác quyền thì ban tổ chức mặc nhiên được quyền sử dụng vào mục đích tuyên truyền xoay quanh chủ đề “Chung tay vì Thành phố Nha Trang xanh – sạch – đẹp”.

D- Về thời gian

- Ảnh phải được chụp trong khoảng thời gian từ 1-1-2013 đến ngày nộp ảnh dự thi.

- Thời gian BTC nhận ảnh/bài dự thi từ ngày công bố thể lệ cuộc thi đến hết ngày 31-12-2014.

- Ban tổ chức sẽ tổng kết vào ngày cuối cùng của tháng và công bố giải thưởng vào ngày 5 mỗi tháng.

E- Về tính hợp lệ
Các trường hợp sau đây xem như ảnh dự thi không hợp lệ và bị loại mà không cần phải đưa ra lý do hay giải thích:

- Ảnh/bài dự thi không đúng chủ đề;

- Vi phạm thuần phong mỹ tục;

- Ảnh/bài dự thi không đúng quy cách;

- Ảnh/bài vi phạm bản quyền tác giả (bị phát hiện trước hoặc sau khi công bố giải);

- Ảnh/bài gửi dự thi không phù hợp thời gian quy định.

- Giả mạo hoặc làm sai lệch giá trị số lượt xem và số lượng thích của ảnh/bài dự thi.

- Các giải nhất (bài viết hay, ảnh đẹp) được công bố trên website nhatrangxanhsachdep.vn trong vòng 15 ngày. Sau thời gian công bố, nếu bài/ảnh không nhận được khiếu nại, phản ảnh về việc vi phạm tác quyền hoặc các điều lệ cuộc thi thì ban tổ chức sẽ tiến hành phát giải.

III. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG VÀ CÁCH THỨC CHẤM GIẢI

- Từ ngày công bố thể lệ cuộc thi đến ngày 31-12-2014, mỗi tháng ban tổ chức sẽ trao một giải nhất cho mỗi nội dung thi (bài viết, ảnh).

- Mỗi giải nhất trị giá 500.000đ tiền mặt (năm trăm ngàn đồng tiền mặt).

- Cách thức chấm giải nhất: những ảnh/bài hợp lệ sẽ được ban tổ chức đưa lên website www.nhatrangxanhsachdep.vn để người xem bình chọn, ảnh/bài có số lần Thích nhiều nhất trong tháng sẽ được nhận giải, trường hợp nhiều bài có số lần Thích bằng nhau thì xét đến số lần Xem (ưu tiên bài có số lần Xem ít hơn nhưng có số lần Thích cao), trường hợp số lần Xem và Thích bằng nhau thì xét đến thời gian gửi bài (ưu tiên bài gửi sau khi có số lần Thích/Xem cao).

Ngoài ra, thông tin và những quy định liên quan, người tham dự giải và bạn đọc có thể truy cập tại địa chỉ www.nhatrangxanhsachdep.vn

Nha Trang Xanh Sạch Đẹp

Nhà máy xử lý nước thải Nha Trang

Nhà máy xử lý nước thải phía nam thành phố Nha Trang thuộc hạng mục 02, giai đoạn 2 của dự án cải tạo vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang với tổng đầu tư dự kiến gần 25 triệu USD, do Ngân hàng thế giới tài trợ và vốn đối ứng của tỉnh Khánh Hòa.
Theo thiết kế, nhà máy là nơi tiếp nhận và xử lý toàn bộ lượng nước thải của khu vực trung tâm và phía nam thành phố Nha Trang với công suất thiết kế 40.000 m3 ngày/đêm và dự kiến sẽ được nâng cấp lên 60.000m3 ngày/đêm vào năm 2025. Toàn bộ nước thải ở đây sẽ được xử lý theo công nghệ mương ôxy hóa sâu - công nghệ xử lý nước thải tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Công trình là hạng mục hết sức quan trọng trong dự án cải tại vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang. Công trình khi đi vào hoạt động sẽ chấm dứt tình trạng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra vịnh Nha Trang như lâu nay.




Đón quan khách đến dự lễ khởi công
Sáng 17/8, Ban quản lý dự án cải tạo vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang, nhà thầu chính Kumho và nhà thầu phụ Ngũ Thường đã tổ chức lễ khởi công xây dựng “Nhà máy xử lý nước thải phía nam thành phố Nha Trang”. Ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Nha Trang đã đến dự.


Các thiết bị cơ bản đã sẵn sàng để thi công
Công ty Ngũ Thường sẽ đảm trách toàn bộ công tác xây dựng cho dự án. Các loại cơ giới cần thiết cũng đã triển khai để có thể thi công ngay sau lễ khởi công. Vì dự án tọa lạc trên một khu vực đầm tôm rộng lớn nên công tác bàn giao mốc dự án cũng đã được thực hiện trước lễ khởi công một tuần nhằm tranh thủ thời gian ngay sau khi khởi công.



Đoàn bàn giao mốc băng đồng cả cây số để kiểm tra mốc



Ban QLDA cùng nhà thầu xả hơi  một chút dưới cái nắng miền Trung



Mốc được chôn sâu dưới đất

-----------------------------------------------------------------------------------
Dự án: Nhà máy xử lý nước thải Thành phố Nha Trang

Địa điểm: xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang

Vốn đầu tư: 25 triệu USD

Tổng diện tích nhà máy: 60 ha

Thời gian thi công: 2012 – 2014

Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án cải tạo vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang

Tháng 9/2012
 
Một tháng sau lễ động thổ bóng dáng của ruộng lúa và đầm tôm ở vùng nước lợ đã dần chuyển sang hình ảnh của một công trường trong giai đoạn dọn mặt bằng.

Nha Trang chưa phải là trung tâm của miền Trung nhưng nhưng cơn mưa miền Trung đã thể hiện ở WWTP. Có cái khác là không những “thúi đất” mà mặt đất nhìn rất cứng cáp sau khi nắng lên, nhưng có điều … đừng dẵm lên đấy.





Khá là “thăm thẳm” để vào công trường qua acess road vừa hoàn thành



Chiếc Caterpillar trở nên nhỏ bé, phía xa là thành phố Nha Trang
Tháng 10/2012
 
Sau những ngày nghỉ dài của Tết, công trường lại nhộn nhịp tiếp tục với công tác cọc và bắt đầu triển khai công tác móng cho 4 bể lắng cuối.



Từng đoàn xe chở cọc nối đuôi nhau vào công trường.



Tạo hình đáy bể lắng cuối



Ống HDPE cũng chuẩn bị được lắp dưới đáy bể



Nghiệm thu nội bộ



Nghiệm thu thép chính thức trước khi đổ beton


Công trường cuối tháng 3
Tháng 03/2013



Toàn cảnh công trường cuối tháng 6
Một năm



Hội thảo kinh nghiệm quản lý do nhà thầu NT-2.1 trình bày.
Tháng 5 năm 2013, Ngân hàng Thế giới thực hiện đợt kiểm tra toàn dự án Cải tạo vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang. Chất lượng công trình, cách làm việc chuyên nghiệp của công trình Nhà máy xử lý nước thải, gói thầu NT-2.1, đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và gợi ý Chủ đầu tư dự án nên nhân rộng đến các gói thầu khác. Nhân dịp một năm ký thực hiện hợp đồng, Chủ đầu tư và nhà thầu của gói thầu NT-2.1 đã tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu thuộc các gói thầu khác của dự án. Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Khánh Hòa- Nha Trang, sở Xây Dựng và các sở ban ngành khác của Nha Trang –Khánh Hòa cũng hài lòng về chất lượng và tiến độ của dự án và đề nghị nhà thầu tiếp tục thành công bước đầu cho đến lúc hoàn thành dự án.





Các ao tôm đang dn được thay thế sau 10 tháng làm vic



Toàn cảnh công trường vào cuối tháng 9



Toàn cảnh công trường vào cuối tháng 11
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do tình hình thời tiết xấu của mùa mưa miền trung Việt Nam trong năm nay, nhưng thông tin từ Chủ đầu tư trong đợt kiểm tra DỰ ÁN CẢI THIỆN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG CÁC THÀNH PHỐ DUYÊN HẢI ở ba thanh phố Nha Trang-Quy Nhơn-Đồng Hới thì NT-2.1 được Ngân hàng thế giới đánh giá là gói thầu tiêu biểu về quản lý chất lượng & tiến độ của toàn dự án.
Mr. Trọng Nghĩa - GĐ Dự án (Nguồn: nguthuong.com)

Tổng quan nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên và lớn nhất ở TP.HCM được khởi công xây dựng sáng 27-11 tại xã Bình Hưng, Bình Chánh.

Chủ sở hữu nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng:

Tên chủ sở hữu: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố.
- Phòng chức năng quản lý: Phòng Quản lý Nước thải trực thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước.
- Số lượng nhân viên: 15 người.
- Chức năng, nhiệm vụ:
+ Thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước, bùn kênh rạch và hệ thống cống bao lưu vực Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ.
+ Tổ chức quản lý, giám sát công tác vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải.
Bên trong nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng
Bên trong nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

Đơn vị vận hành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng:

Tên đơn vị: Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị.
- Số lượng nhân viên: 121 người.
- Chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện công tác vận hành, bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
- Các phòng chức năng: gồm có phòng thí nghiệm, phòng vận hành, phòng bảo dưỡng, khối văn phòng.

Mục tiêu và nhiệm vụ của nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng:

- Cải thiện môi trường nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm úng ngập, cải thiện cảnh quan lưu vực Kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ với công suất xử lý trong giai đoạn I là 141.000m3 /ngày nhằm phục vụ cho hơn 425.000 dân, thuộc lưu vực quận 1, 3, 5 và một phần quận 10.
- Giải quyết tình trạng úng ngập tại các khu vực trũng như cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), bến Mễ Cốc (quận 8).
Nước thải sẽ được thu gom qua tuyến cống bao dài gần 6.600m chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Trần Hưng Đạo-Trần Tuấn Khải và đi ngầm xuống kênh Tàu Hủ qua khu Đồng Diều, quận 8. Từ đây sẽ bơm nước thải đến nhà máy xử lý. Khi nước thải đạt tiêu chuẩn mới xả ra kênh rạch.
Phối cảnh nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng
Tổng quan nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng
Giai đoạn đầu nhà máy có công suất 141.000m3/ngày đêm, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, xử lý nước thải cho lưu vực hơn 1000ha thuộc quận 1, 3, 5, 6, 8 và huyện Bình Chánh. Giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy lên 512.000m3/ngày đêm, xử lý cho lưu vực hơn 3000 ha thuộc 11 quận huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và Bình Chánh.
Nhà máy giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2008. Đây là một trong những gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ với tổng vốn đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn xây dựng nhà máy vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Các hạng mục xử lý nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng:

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hiện có 09 khu vực xử lý gồm trạm bơm nâng, bể lắng sơ cấp, bể sục khí, bể lắng thứ cấp, bể khử trùng, bể cô đặc bùn trọng lực, thiết bị cô đặc bùn ly tâm, thiết bị tách nước và nhà ủ phân compost. Các khu vực xử lý được duy trì hoạt động liên tục 24/24, đảm bảo xử lý nước thải cho lưu vực thu gom. Sau hơn 3 năm vận hành, tổng lưu lượng đã xử lý đạt 118 triệu m3 nước thải, chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn TCVN 5945 – 2005.

Khởi công dự án Trạm xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên tại Biên Hòa

Sáng 5/3, UBND thành phố Biên Hòa và Trung tâm Thoát nước Đồng Nai đã tổ chức lễ khởi công dự án Trạm xử lý nước thải sinh hoạt số 1 giai đoạn 1 tại phường Hố Nai. Đây là dự án xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên được đầu tư xây dựng tại thành phố Biên Hòa.
Lễ Khởi công dự án Trạm xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên tại Biên Hòa

Tổng dự án được xây dựng trên diện tích gần 10ha với công suất 9.500m3/ ngày đêm, trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 3 ha với các hạng mục như trạm bơm, bể lắng cát, bãi xử lý chính theo công nghệ “ bùn hoạt tính theo mẻ cải tiến” với công suất hoạt động xử lý là 3000m3/1 ngày đêm. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là gần 130 tỷ đồng.
Đây là dự án Trạm xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên trên địa bàn thành phố Biên Hòa được khởi công xây dựng. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2015 nhằm giải quyết việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cho dân cư khu vực thuộc các phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa.

19,4 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt 19,4 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Dự án này đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống tuyến ống thu gom và trạm xử lý nước thải Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để xử lý toàn bộ nguồn nước thải sản xuất của làng nghề, đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào môi trường, đảm bảo không gây ô nhiểm nguồn nước, không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch và sức khỏe của dân cư sinh sống trong Làng nghề và khu vực xung quanh.
Trạm xử lý được xây dựng trên diện tích gần 2000m2, có công suất nhà máy xử lý nước thải: 1.500m3/ngày đêm. Các hộ hay các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất sơ bộ theo quy định đảm bảo trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý chung của Làng nghề. 
 
 Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Ngũ Hành Sơn và các các cơ quan liên quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ thực hiện của các hộ sản xuất trong việc xây dựng bể xử lý riêng, việc đấu nối, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trước khi ra hệ thống thoát nước chung, đồng thời có quy định cụ thể về chế tài đối với các hộ sản xuất không thực hiện đúng quy định.  
NGỌC THỦY-Theo danang.gov.vn

Đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải Lại Yên

Theo ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, trên cơ sở chấp thuận của thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Lại Yên. Dự kiến tổng mức đầu tư trạm xử lý nước thải này khoảng 10 tỷ đồng (trong đó ngân sách huyện đầu tư hơn 5 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách thành phố).

Môi trường trên địa bàn Hoài Đức ngày càng ô nhiễm trầm trọng, nhất là ô nhiễm về nước thải

Trên thực tế, những năm gần đây, Hoài Đức đang phải đối diện với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm về nước thải do các làng nghề phát triển mạnh, trong khi các biện pháp xử lý môi trường còn thiếu, đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế. Cụ thể, tại 3 xã: Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai có nghề chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến rất phát triển với lượng nước thải hàng ngày rất lớn. Song, những năm qua, tại các địa phương này mới chỉ có một trạm xử lý nước thải do Công ty Mặt Trời Xanh đầu tư. Tuy nhiên, trạm xử lý nước thải đã quá tải, hiệu quả hoạt động thấp. 
Do đó, trong quá trình đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Lại Yên, hiện nay, UBND huyện Hoài Đức giao cho UBND xã Dương Liễu làm chủ đầu tư xây dựng kênh dẫn nước vào trạm xử lý nước thải Mặt Trời Xanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Nuôi, bên cạnh xây dựng trạm xử lý nước thải Lại Yên cải tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả xử lý của trạm xử lý nước thải Mặt Trời Xanh, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một khu xử lý nước thải nữa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.
Theo hiendaihoa.com

Mất nguồn nước sạch vì thủy điện

Gần 2 năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Yang Mao, huyện Krông Bông - Đắk Lắk phải hằng ngày ra suối cõng nước không bảo đảm vệ sinh về dùng. Nguyên nhân do nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực này đã lấy hết nguồn sinh hoạt ở địa phương.
Theo TTXVN, năm 1999, Nhà nước đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy cho người dân xã Yang Mao. Từ khi có công trình này, hàng ngàn hộ dân nơi đây có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh dẫn đến từng nhà. Tuy nhiên, đến năm 2010, Công ty TNHH Hoàng Nguyên xây dựng nhà máy thủy điện Ea Kha nằm trên thượng nguồn suối Ea Kha. Nguồn nước của suối Ea Kha sau bị chặn dòng để phục vụ phát điện lại được xả ra một nhánh suối khác. Vì vậy, từ khi có nhà máy thủy điện, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Ea Kha bị mất nguồn, khiến đời sống của hơn 5.000 hộ dân trong xã bị đảo lộn. Để có nước sinh hoạt, hằng ngày các hộ ở đây phải đi bộ hơn 2 km để lấy nước không bảo đảm vệ sinh từ con suối gần nhất.
- Chiều tối 15-9, tại Nhà máy Thủy điện Suối Tráng (do Công ty TNHH Văn Hồng quản lý), xã Bắc Phong, huyện Cao Phong - Hòa Bình, đã xảy ra sự cố khiến anh Bùi Văn Phương (39 tuổi) thiệt mạng, anh Bùi Văn Đông (19 tuổi) bị trọng thương. Theo TTXVN, nguyên nhân do nhà máy bị mất điện đột xuất, nước ở bể áp lực tràn xuống đường cuốn trôi 2 nạn nhân.
Nguồn : Người Lao Động

16 trạm cấp nước tại khu vực ngoại thành Hà Nội: Bùng nhùng việc giải cứu

Trước những bức xúc của dư luận về nhiều trạm cấp nước bỏ hoang lãng phí, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết tồn tại. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm và lúng túng trong quyết toán, bàn giao mặt bằng xây dựng nên các trạm cấp nước này vẫn chưa thoát khỏi cảnh... "đắp chiếu".
Hình ảnh 16 trạm cấp nước tại khu vực ngoại thành Hà Nội: Bùng nhùng việc giải cứu  số 1
Trạm cấp nước xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ xây dựng xong nhưng chưa phát huy hiệu quả.

<>Không chỉ là thiếu vốn

Tổng ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp là hơn 68 tỷ đồng để xây dựng 16 trạm cấp nước (TCN) tập trung tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư, các địa phương gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn đóng góp của nhân dân nên hầu hết các TCN đều xây dựng dở dang hoặc xây dựng xong nhưng không có kinh phí để lắp đặt mạng đường ống dẫn nước, đồng hồ đến từng hộ dân. Điều đó dẫn đến hàng loạt thiết bị tiền tỷ được đầu tư sẽ phải "khai tử" vì thời gian bỏ hoang quá lâu. Một số TCN ở các thôn Đoan Lữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh)... hệ thống công trình đầu mối bị hư hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa, cải tạo.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã kêu gọi các DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các TCN tập trung để tái hoạt động trở lại. Thế nhưng tiến độ làm "sống" lại các TCN chưa đáp ứng được yêu cầu của UBND TP. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tổng số 16 TCN khẩn cấp "giải cứu", đến nay mới có 4 trạm vận hành, 2 trạm đang trong quá trình đầu tư, 7 trạm đang tìm kiếm DN để giao làm chủ đầu tư, 3 trạm hư hỏng cần thanh lý thu hồi tài sản. Kết quả khảo sát tại 4 TCN đã vận hành và 1 trạm đang đầu tư cho thấy, các DN làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, năng lực đầu tư còn hạn chế nên một số công trình chưa phát huy hết công suất và chậm đưa vào khai thác. Không chỉ thiếu vốn đầu tư, các DN đều phàn nàn có nhiều vướng mắc chậm được giải quyết. Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khôi phục TCN tập trung thị trấn Quốc Oai cho biết, hiện công ty đang phải làm "chui" vì thủ tục bàn giao mặt bằng xây dựng và đánh giá tài sản để làm thủ tục lập dự án đầu tư theo quy định chưa thực hiện. Với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Viwaseen đã hoàn thiện tới 40 loại thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án TCN tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thế nhưng vẫn chưa thể triển khai do chưa xác định được vị trí xây dựng TCN...

<>"Nút thắt" chưa được gỡ

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN được giao khôi phục các TCN chưa hoạt động tại khu vực ngoại thành, cuối tháng 6-2012, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo văn bản này, các địa phương dừng thực hiện 16 dự án đầu tư dở dang xây dựng TCN được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố và một phần dân đóng góp để quyết toán chuyển đổi hình thức đầu tư thông qua vay vốn tín dụng từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội. Theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, các địa phương phải quyết toán vốn đầu tư phần việc đã hoàn thành cũng như thanh lý tài sản theo đúng quy định trình UBND TP xem xét. Song đến thời điểm này, khâu đánh giá lại tài sản và bàn giao vốn, mặt bằng xây dựng cho DN chưa được thực hiện nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội.

Ông Ngô Xuân Hải cho rằng, không hiểu vướng mắc ở đâu mà chính quyền địa phương, cấp huyện, chưa thực hiện việc định giá tài sản, bàn giao mặt bằng cho DN để hoàn thiện các thủ tục vay vốn ưu đãi. Tương tự, nhiều DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng TCN tập trung ở khu vực ngoại thành cũng trong cảnh ngộ đó. Bà Nguyễn Thị Lê, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Linh cho biết, DN này khó có thể hoàn thành việc lập dự án và hồ sơ pháp lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt vì chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng TCN xã Tam Hiệp, mặc dù đơn vị này nhiều lần kiến nghị  với UBND huyện Phúc Thọ. Bà Nguyễn Thị Lê cho hay, đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro nhiều, UBND thành phố đã có chính sách khuyến khích, DN phần nào an tâm đầu tư, nhưng "rào cản" lớn nhất từ chính quyền địa phương, do đó "nút thắt" này cần sớm được giải quyết.

Quá trình khảo sát thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng cho thấy, những tồn tại hiện nay rất khó khăn đối với các DN, đề nghị UBND TP khẩn trương chỉ đạo các huyện nhanh chóng quyết toán và bàn giao cụ thể cho DN tài sản và mặt bằng đã đầu    tư tại các TCN. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể thời gian, giao trách nhiệm để các địa phương thực hiện, tránh tình trạng kéo dài như hiện nay. Nếu "nút thắt" này chậm giải quyết, chính quyền các địa phương vẫn đứng ngoài cuộc, xem ra các TCN vẫn sẽ nằm "đắp chiếu" dài dài.
Nguồn : Hà Nội Mới

Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch

Các chuyên gia Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc vừa phát hiện tầng nước ngầm mới tại Hà Nội. Với trữ lượng cực lớn và chất lượng đảm bảo, nguồn nước ngầm này sẽ “giải khát” cho các khu đô thị mới đang bức xúc vì thiếu nước sạch sinh hoạt. 
    Hình ảnh Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch số 1

    Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch


    Tầng chứa nước Neogen là lối thoát cho các khu vực nước ngầm đang bị suy thoái hoặc nhiễm bẩn
    <>Ô nhiễm, suy kiệt

    Theo Sở TN-MT Hà Nội, hiện nay, tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Dự báo, tới năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên tới mức 1,4 triệu m3/ngày đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thành phố. Trong đó, tổng số giếng tư nhân (thuộc các hộ gia đình) lên tới trên 100.000 chiếc. 

    Hàng trăm nghìn chiếc “vòi bạch tuộc” này không chỉ hút cạn nước ngầm ở cả 2 tầng Holocen và Pleistocen mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các tầng này. Điển hình là khu vực Hà Đông. Kết quả quan trắc mực nước tại hai công trình quan trắc bố trí vào khu vực khai thác nước dưới đất khối lượng lớn (Nhà máy nước Hà Đông) cho thấy, mực nước có xu thế giảm với biên độ khoảng 0,47m/năm.

    Đáng chú ý, các kết quả quan trắc nguồn nước dưới đất ở Hà Nội vài năm gần đây cho thấy, nguồn nước dưới đất có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm. Kết quả phân tích thành phần hóa học chỉ ra, trong cả hai tầng chứa nước, có một số chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép, trong đó chủ yếu là hàm lượng amoni, asen và hàm lượng hữu cơ. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng, diện tích phân bố và tập trung chủ yếu tại những khu vực có các nguồn có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác thải, khu công nghiệp, ở những vùng mực nước hạ thấp sâu, nơi tập trung chứa lượng nước thải lớn như Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm và Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông. Ngoài ra, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, nước có độ khoáng hóa lớn hơn 1g/l. 

    Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, ở tầng thứ nhất, các chất bẩn đã bắt đầu xuất hiện do nước thải, chất thải và phân bón xâm nhập qua các lỗ khoan. Từ vài năm trở lại đây, các hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam thành phố như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng... đều phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt bởi nước ngầm thường có mùi tanh rất khó chịu.

    <>Nguồn hy vọng mới

    Ông Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước miền Bắc (LĐQH&ĐTTNN) cho biết, khoảng 10 năm gần đây, các nhà địa chất thủy văn đã quan tâm tới nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP Hà Nội. 

    Vừa qua, LĐQH&ĐTTNN đã hoàn thành Đề án “Điều tra, nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng thành phố Hà Nội” với vùng nghiên cứu có diện tích 872km2. Đề án đã làm rõ sự phân bố theo diện và chiều sâu của các trầm tích Neogen trong khu vực, có độ sâu từ mặt đất xuống khoảng 60-110m. Các trầm tích của hệ tầng Vĩnh Bảo phân bố đến độ sâu 197- 447m. Lỗ khoan TD9 ở Bình Minh, Khoái Châu sâu 600m vẫn chưa khoan hết hệ tầng Tiên Hưng. Nhiều lỗ khoan đã gặp nước, có lưu lượng khá tốt. Về cơ bản, nước trong tầng Neogen có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí, ở một số địa điểm đã đưa vào khai thác, phục vụ cấp nước cho ăn uống sinh hoạt như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân (quận Hoàng Mai).

    Theo kết quả điều tra, tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội nhiều vùng giàu nước. Quan trọng hơn, chất lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới mức cho phép. Đề án đã xác định được các vùng có triển vọng khai thác nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo và đánh giá được trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo lên tới 1.642.925m3/ngày. 

    Đặc biệt, có nơi phát hiện nguồn nước có lưu lượng lớn ở nhiệt độ 36 độ C, thuộc loại nước khoáng ấm. Ông Tống Ngọc Thanh nói: “Kết quả điều tra tầng chứa nước Neogen vùng thành phố Hà Nội cho thấy triển vọng nguồn nước mới có chất lượng rất tốt, có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống sinh hoạt hoặc ngành sản xuất công nghiệp (dệt may, điện tử) cần nguồn nước có chất lượng tốt… Ngoài ra, nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du lịch”. Đương nhiên, vì ở độ sâu lớn hơn các tầng nước ngầm hiện đang khai thác, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn. Song, theo các chuyên gia, lợi ích về lâu dài là rất rõ bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước này.

    Chính Trung
    Nguồn : ANTĐ