Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến 2009 khoảng 2,7 tỷ USD – theo thông tin tại diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, với chuyên đề “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” ngày 18/7 ở tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: “Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng bình quân 0,70C; nước biển dâng khoảng 20cm; thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến 2009 khoảng 2,7 tỷ USD”.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những thảm họa cho nhân loại |
Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên & Môi trường cập nhật năm 2011, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập.
Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa (một nửa diện tích hiện nay), đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân.
Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do con người gây ra. Do đó, vai trò của quản lý rừng bền vững trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn.
Sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cả nước đã giao khoán gần 10 triệu ha trên tổng số 16,24 triệu ha đất lâm nghiệp theo quy hoạch, hơn 1,2 triệu hộ gia đình (4,6 triệu lao động) tham gia dự án; khoảng 585 nghìn hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm.
Việt Nam hiện có hơn 15,3 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm 46% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, tổng diện tích rừng hơn 13,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 39,7%.
Theo thống kê, từ năm 2006 đến 2011, diện tích rừng cả nước tăng 0,78 triệu ha, độ che phủ tăng 2,5% (trung bình mỗi năm tăng 0,5%). Riêng sáu tháng đầu năm 2014, cả nước trồng hơn 75 nghìn ha rừng. Trong đó, có 3.894 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 71 nghìn ha rừng sản xuất, tăng 3% so cùng kỳ.
Rừng đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý này đang dần bị suy thoái. Những năm qua, nạn phá rừng, mất rừng ngày càng nghiêm trọng, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết năm 2013, cả nước phát hiện 25.776 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có 2.071 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá là 694 ha; 14.248 vụ mua bán, chế biến gỗ, lâm sản trái phép và 249 vụ cháy rừng…
“Mất rừng và suy thoái rừng gây nên hiện tượng sa mạc hóa, làm nghèo kiệt đất đai tại vùng đầu nguồn, bồi lắng lòng hồ, gây lũ quét tại nhiều địa phương, phá vỡ các hệ sinh thái quan trọng khác…” - TS. Phan Huy Thông cho biết.
Mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp làm phát thải hơn 19 triệu tấn CO2, chiếm 18% tổng lượng khí phát thải nước ta. Vì vậy, quản lý rừng bền vững không chỉ có vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của từng quốc gia, toàn cầu, mà góp phần đắc lực trong giảm thiểu tác hại của thiên tai và ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu.
Theo Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)