Bình Dương: Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư vào cuối năm 2014

Bình Dương: Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư vào cuối năm 2014
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Nam đối với Ban Chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư đô thị của tỉnh Bình Dương, cần kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư vào cuối năm 2014. 
Phó Chủ tịch Trần Văn Nam đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các chủ cơ sở nhận thức đúng chủ trương của tỉnh; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ các cơ sở thực hiện di dời, tạo điều kiện để cơ sở hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề, có biện pháp đối với các cơ sở không chấp hành di dời đúng thời hạn như cắt chế độ hỗ trợ di dời theo chính sách của tỉnh, quyết tâm thực hiện việc di dời các cơ sở còn lại vào cuối năm 2014 sau nhiều lần gia hạn.
Theo Quyết định của UBND tỉnh công bố đầu tháng 5/2011, danh sách đợt 1 có 16 cơ sở  phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/12/2012 và danh sách công bố cuối năm 2012 di dời đợt 2 có 16 cơ sở và phải thực hiện xong trước ngày 31/12/2013. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một có 3 cơ sở, thị xã Dĩ An 17 cơ sở, thị xã Thuận An 9 cơ sở và thị xã Tân Uyên 3 cơ sở. Danh sách này dựa trên các kết quả đo đạc, đối chiếu kết quả kiểm tra, hoặc xuất phát từ tình hình khiếu nại, khiếu kiện đối với hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp có ngành nghề đặc trưng, gây ô nhiễm môi trường cao, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, nằm xen lẫn trong khu dân cư...
Tại Bình Dương, UBND tỉnh tạo các điều kiện thuận lợi như ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh; gia hạn thêm thời gian di dời. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn thường xuyên. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện di dời của các cơ sở vẫn còn chậm. Đến nay, mới có 19 cơ sở đã hoàn thành di dời hoặc tự chấm dứt hoạt động. 6 tháng đầu năm 2014, chỉ có thêm 2 cơ sở hoàn thành việc di dời, 2 cơ sở sắp hoàn thành việc di dời. Thị xã Dĩ An đã có 11 đơn vị hoàn thành công tác di dời trong số 17 đơn vị phải di dời ra khỏi khu dân cư; 6 đơn vị vẫn còn đang hoạt động sản xuất, nhưng đã có kế hoạch di dời và được UBND tỉnh gia hạn thời gian di dời.
Nguyên nhân chậm di dời do các cơ sở chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về tài chính, không duy trì được nguồn vốn phục vụ cho việc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.... Các khu công nghiệp có thể tiếp nhận được các cơ sở di dời đều nằm xa vị trí sản xuất hiện tại nên việc di dời đến địa điểm sản xuất mới sẽ làm tăng chi phí và khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, tuyển dụng lao động; khu công nghiệp đều cho thuê với diện tích đất lớn, giá thuê cao trong khi đó các cơ sở muốn thuê đất với diện tích nhỏ, giá thuê rẻ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất rất cần nguồn vốn để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong khi đó, nguồn vốn của các cơ sở hạn hẹp và không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng... Bên cạnh đó, còn cơ sở chưa nhận thức đúng đắn việc di dời, không xây dựng kế hoạch di dời hoặc có xây dựng kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện...
Quách Lắm
(Theo Bộ TNMT)