Mới đây, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký ban hành Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997.
Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia |
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy được Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 41 thông qua ngày 21 tháng 5 năm 1997 với 106 phiếu thuận, trong đó có Việt Nam, 03 phiếu chống (Trung Quốc, Burundi và Hy Lạp), 27 phiếu trắng và 33 nước không tham gia bỏ phiếu. Công ước này áp dụng cho việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và quản lý có liên quan đến việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.
Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế.
Đến nay, đã có 32 quốc gia gia nhập Công ước. Mặc dù vậy, Công ước vẫn chưa có hiệu lực vì theo quy định, để Công ước có hiệu lực, phải có ít nhất 35 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập.
Việt Nam nằm ở thượng nguồn và hạ nguồn các con sông liên quốc gia nhưng chủ yếu là ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia lớn với khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm được sản sinh từ nước ngoài. Điều này cho thấy, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, việc giải quyết các vấn đề nguồn nước liên quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nước đã bỏ phiếu thuận cho Công ước.
Việt Nam gia nhập Công ước là phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm sử dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước liên quốc gia. Việc gia nhập Công ước sẽ góp phần vào quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia tại khu vực Châu Á, đồng thời, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam đối với nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Đồng thời, với vai trò là một thành viên tích cực trong khối ASEAN, việc Việt Nam gia nhập Công ước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho vận động, thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững các lưu vực sông liên quốc gia trong khu vực và tạo tiền đề, góp phần thúc đẩy quá trình gia nhập Công ước của các quốc gia trong khối ASEAN.
Nguồn: vea.gov.vn