Thử nghiệm công nghệ năng lượng mặt trời quy trình nuôi tôm

Công nghệ năng lượng mặt trời hiện đang được ứng dụng thử nghiệm vào quy trình nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu với diện tích 5ha và tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau 0,3ha. 
Kỹ sư Nguyễn Thông Nhận-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết: “Qua thời gian thí điểm công nghệ bơm khí bằng năng lượng mặt trời kết hợp với sử dụng vi sinh vật vào nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau, đã giảm tối đa chi phí nhiên liệu, thức ăn, đồng thời tạo ra môi trường sạch cho tôm phát triển nhanh”.

Bơm khí bằng năng lượng mặt trời: Tiết kiệm chi phí cho nuôi tôm công nghiệp

Hệ thống thiết bị hoàn toàn ứng dụng từ những tấm hấp thu năng lượng mặt trời, năng lượng hấp thu được chuyển đến hệ thống bình ắc-quy. Nguồn điện tích trữ trong bình ắc-quy sẽ cung cấp dòng năng lượng để các thiết bị thổi khí oxy vận hành.

Từ đó, lượng khí oxy được chuyển đến các vị trí gần đáy ao nhờ các ống dẫn khí, phân tán lượng oxy trong môi trường nước. Đặc biệt, bình tích trữ điện có thể giữ năng lượng cho hệ thống vận hành khí hoạt động trong thời gian 7 ngày.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Ngô Văn Tuấn, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi được chọn làm điểm thử nghiệm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời.

Kết quả cho thấy: Tại ao có sử dụng hệ thống thổi khí bằng năng lượng mặt trời và kết hợp vi sinh vật, chất lượng nước được cải thiện, tôm không bị nhiễm bệnh và phát triển nhanh hơn so với ao sử dụng quạt nước thông thường.

Ông Võ Hồng Ngoãn - chủ hồ tôm đã áp dụng công nghệ mặt trời nhận xét: “Tính riêng chi phí xăng dầu tiết kiệm được đã là khoản lợi nhuận rất lớn, vì chỉ tốn chi phí đầu tư duy nhất 1 lần ban đầu, tuy đắt, nhưng sử dụng lâu dài…”.

Còn ông Phạm Văn Đức - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Cà Mau, nhận định: “Nếu hệ thống cung cấp oxy bằng năng lượng mặt trời đạt tiêu chí đúng như công ty giới thiệu sẽ góp phần giải quyết rất lớn những khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản, như làm trong sạch môi trường, giảm chi phí...".

Nhờ công nghệ này, người nông dân có thể chủ động nguồn điện ở những nơi lưới điện khó kéo đến. Nhưng để sản phẩm đến tay người dân một cách thuyết phục, đơn vị sản xuất cần đưa ra thông số, giá cả, tạo cơ chế phù hợp để người mua có thể chấp nhận được.
Theo Nguyễn Minh (Tiết kiệm năng lượng)